Kết quả Chiến_dịch_Hà_Nam_Ninh

Việt Nam

Toàn chiến dịch, QĐNDVN tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.050 địch (có 40 phần trăm Âu - Phi của GM1, GM4). Riêng ở Hà Nam Ninh, Pháp mất 2.154 lính, bị thương 635, bị bắt 796. QĐNDVN hy sinh 546 người, bị thương 1.700 người, mất tích 280 người1. QĐNDVN thu 832 súng trường, 123 tiểu liên, 62 trung liên, 10 đại liên, một trọng liên, 15 súng cối, 25 súng ngắn, 18 máy vô tuyến điện và số quân trang, quân dụng đủ trang bị cho một trung đoàn. Ngoài ra còn phá huỷ 14 xe lội nước, bắn hỏng một tàu chiến, đánh đắm năm ca nô, phá huỷ hai xe Jeép. QĐNDVN diệt 12 vị trí, bức rút chín vị trí, bức hàng hai vị trí và tiêu hao lực lượng Pháp ở tám vị trí khác.

Trong chiến dịch Hà Nam Ninh, lần đầu tiên QĐNDVN tiêu diệt được quân chiếm đóng trong một thị xã ở đồng bằng (thị xã Ninh Bình) bằng cách đánh bôn tập cường kích (từ xa tới tập kích bằng sức mạnh). Cũng là lần đầu tiên tiêu diệt bốn đại đội Pháp trong công sự vững chắc, sau hai đêm một ngày chiến đấu. Đây là chiến dịch đầu tiên chủ lực QĐNDVN tiến công vào hệ thống phòng ngự của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi đối phương có nhiều thuận lợi về cơ động và hoả lực.

Tuy tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng chiến dịch không đạt được yêu cầu đã đề ra. Yếu tố tác động lớn nhất đến kết quả của chiến dịch vẫn là sự chỉ đạo chiến lược và chỉ huy chiến dịch. Do đó "hiệu suất chiến đấu thấp, chiến dịch kết thúc trong điều kiện so sánh lực lượng đã thay đổi bất lợi cho ta, quyền chủ động chiến dịch không còn". Đó là những hạn chế trên bước đường trưởng thành từ đánh du kích tiến lên tác chiến tập trung, với quy mô nhiều đại đoàn.[5]

Mặc dù, Chiến dịch Hà Nam Ninh không đạt được yêu cầu đã đề ra nhưng cũng đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, tạo nên một thắng lợi về chính trị trong chiến dịch. Do đó, ngày 27 tháng 6 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh đã tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, "đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng"[6]

Pháp

Tháng 7-1951, nhân ngày phát phần thưởng tất niên cho học sinh trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, De Lattre đọc một bài diễn văn chính trị kêu gọi thanh niên Việt Nam gia nhập hàng ngũ Pháp để chống Cộng.

Sau khi dự lễ ngày 14-7-1951 tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự hiện diện của Bảo Đại từ Đà Lạt ra gắn huân chương đệ nhất đẳng cho De Lattre, De Lattre về Pháp chữa bệnh và sang Hoa Kỳ cầu viện khí giới.

Ngày 14-9-1951, De Lattre được Tổng thống Harry Truman, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và tướng Collins, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ tiếp. De Lattre được Mỹ viện trợ cho rất nhiều chiến cụ và khí giới: 9.000 súng tiểu liên, 500 đại liên, 5.000 xe chuyên chở đủ loại, 600 máy truyền tin và các xe chiến đấu, máy bay, tàu hải quân, tàu sửa chữa...

Tháng 10-1951, De Lattre trở lại Đông dương sau 3 tháng vắng mặt. Tuy thành công trong những trận Vĩnh Yên, sông Đáy, nhưng tại Pháp các nghị sĩ đã chê trách De Lattre thụ động, không có thế công mà chỉ chờ Việt Minh tấn công rồi chống đỡ. Mặt khác cuộc bàn cãi sắp tới tại quốc hội Pháp về dự chi ngân sách chiến tranh Đông dương làm chính phủ Pháp cần phải có một thắng lợi quân sự để hỗ trợ việc chấp thuận nguyên vẹn, không xén bớt ngân sách do chính phủ đưa ra.

Những sự chi phí về chiến tranh Đông dương càng ngày càng nặng và càng đào sâu túi tiền của dân Pháp, hơn nữa, những chi phí đó còn vượt qua những chi phí kiến thiết mà nước Pháp đang cần. Tới năm 1951, Chi phí cho chiến tranh Đông Dương đã lên tới 308 tỷ Franc, gấp 2,5 lần chi phí cho tái thiết đất nước sau thế chiến thứ hai của Pháp.